Tháng 5/2023, nhà đầu tư cá nhân mở mới 104.624 tài khoản. Con số này gấp 5 lần so với tháng 4 vừa qua và quay trở lại tương đương với thời điểm cuối tháng 12/2022.
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5 vừa qua. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức mở mới 121 tài khoản, còn lại là nhà đầu tư cá nhân mở mới 104.624 tài khoản. Con số này gấp 5 lần so với tháng 4 và quay trở lại tương đương với mức tại thời điểm cuối tháng 12/2022.
Lũy kế đến cuối tháng 5, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là hơn 7,01 triệu tài khoản, trong đó số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 7 triệu tài khoản còn lại là nhà đầu tư tổ chức hơn 15 nghìn tài khoản.
Với giá định, mỗi người dân mở một tài khoản chứng khoán thì tương đương với khoảng 7% dân số Việt Nam có tài khoản đầu tư chứng khoán, tăng hơn 1.5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu tại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025.
Số tài khoản cá nhân mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể trong tháng 5 vừa qua.

Trong tháng 5, thanh khoản thị trường có tháng thứ 3 cải thiện liên tiếp, với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE tăng 9% so với tháng trước lên trên 10 nghìn tỷ đồng/phiên.
Nhà đầu tư trong nước mua ròng tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị gần 7,6 nghìn tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện về tâm lý của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước (chiếm 82% tổng giá trị giao dịch trên thị trường 5 tháng đầu năm) trong bối cảnh phía Chính phủ và NHNN ban hành nhiều giải pháp chính sách kể từ tháng 3/2023.
Khối ngoại chiếm 10% tổng giá trị giao dịch, tiếp tục bán ròng tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị 3 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm, NHNN đã 3 lần ban hành các quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động cho vay của nhiều NHTM cũng tiếp tục xu hướng giảm trong một vài tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023.
Bên cạnh đó, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng trong nước và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường trong quý 3 và quý 4/2023.