Lợi nhuận doanh nghiệp giảm và định giá cổ phiếu cao khiến thị trường chứng khoán Mỹ khó có thể bứt phá ngay sau khi Fed dừng tăng lãi suất.
Lịch sử cho thấy chứng khoán Mỹ thường thăng hoa sau khi Fed giảm lãi suất. Nhưng một số nhà đầu tư và nhà phân tích cảnh báo rằng, lần này thị trường có thể sẽ không nhận được cú hích tương tự.
Sau khi phân tích dữ liệu từ năm 1982, nhóm chuyên gia của Goldman Sachs phát hiện rằng trung bình chỉ số S&P 500 tạo ra tỷ suất lợi nhuận 19% trong 12 tháng sau khi lãi suất quỹ liên bang đạt đỉnh. Goldman đã nghiên cứu 6 chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong khoảng thời gian này và nhận thấy chứng khoán Mỹ sau đó đã bật tăng trong gần như tất cả trường hợp chỉ có một ngoại lệ.
Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, Goldman ngờ vực về viễn cảnh chứng khoán Mỹ sẽ thăng hoa sau khi Fed kết thúc các đợt tăng lãi suất. Nhiều chuyên gia trên phố Wall tin rằng, Fed có thể sẽ dừng tăng lãi suất trong năm 2023, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Tăng trưởng lợi nhuận đã chững lại. Lợi nhuận quý 1 của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 được dự đoán là sẽ sụt giảm ở mức mạnh nhất kể từ quý 2/2020, giá chứng khoán cũng có vẻ đắt đỏ. Goldman Sachs cho biết chỉ số S&P 500 đang được định giá ở mức gấp 18 lần lợi nhuận kỳ vọng trong 12 tháng tới, cao hơn 81% các mức định giá được ghi nhận trong 40 năm qua.

Ông Brad Conger – Phó Giám đốc đầu tư tại công ty Hirtle Callaghan, bình luận: “Thị trường chứng khoán đang thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ đó là sai lầm”. Ông dự đoán nền kinh tế sẽ giảm nhiệt đáng kể trong năm 2023. “Chắc hẳn một cuộc suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến lợi nhuận doanh nghiệp”.
Không có gì là chắc chắn
Cho đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ, có vẻ vẫn chưa phản ánh vào giá nguy cơ suy thoái. Một trong những nguyên nhân lớn giúp các nhà đầu tư duy trì sự lạc quan là sức mạnh của thị trường lao động. Tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ. Các lĩnh vực phi nông nghiệp của nền kinh tế đã tạo thêm 236.000 việc làm trong tháng 3, mức tăng thấp nhất trong hai năm trở lại đây, nhưng vẫn cao hơn xu hướng trước đại dịch.
Ông Jeff Schulze, Giám đốc tại công ty đầu tư ClearBridge Investments, nhận xét: “Thị trường đang trong giai đoạn yên ắng bởi chúng ta vẫn chưa có dấu hiệu suy thoái rõ ràng”.
Áp lực giá cũng đang thuyên giảm. Dữ liệu tuần qua cũng cho thấy lạm phát tiêu dùng và sản xuất của Mỹ đều giảm trong tháng 3. Nhưng lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% của Fed. Theo tờ WSJ, điều này có thể buộc Fed tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn và duy trì ngưỡng này trong thời gian lâu hơn so với dự kiến của các nhà đầu tư.

Thống đốc Fed Christopher Waller phát biểu hôm 14/4: “Lạm phát còn quá cao, do đó tôi vẫn chưa xong việc”. Ông nói thêm rằng, Fed cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lạm phát cao nhiều khả năng sẽ đè nặng lên lợi nhuận doanh nghiệp trong quý tiếp theo, nhất là nếu người tiêu dùng ngày càng ngân ngại trong việc trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ.

Goldman Sachs dự đoán, tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2023 của các doanh nghiệp S&P 500 gần như sẽ đi ngang, thấp hơn hẳn tốc độ trung bình 9% ghi nhận vào cuối các chu kỳ Fed tăng lãi suất mà không đi cùng với suy thoái.
Ông Darrell Cronk, Giám đốc của Wells Fargo Investment Institute, chỉ ra: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư thường phạm sai lầm là cố gắng phân tích và dự đoán quá mức các chu kỳ thị trường, như khi chúng bắt đầu hay khi chúng kết thúc. Nhưng có lẽ dự đoán không quan trọng bằng thiết lập vị thế”.