Bài phân tích chi tiết về những sự kiện đã diễn ra. Tình hình các ngân hàng lớn ở Mỹ hiện tại. Các rủi ro và giải pháp đã và đang được đưa ra.
Bài khá dài, bạn sẽ có đúng góc nhìn, dữ liệu về các vấn đề đã, đang, có thể sẽ xảy ra với các ngân hàng. Nó cũng cung cấp thêm thông tin về cách một ngân hàng vận hành. Các rủi ro và giải pháp đã được chính quyền đưa ra hiện tại.
Nội dung
Điều gì đã diễn ra với các ngân hàng Mỹ
Trên truyền thông tràn ngập về việc hàng loạt ngân hàng Mỹ bị đóng cửa. Lớn nhất trong đó là câu chuyện SVB bị đóng cửa, 1 ngân hàng với quy mô tài sản ở xếp hạng 18. Như vậy những sự kiện đã diễn ra có thể liệt kê như sau:
Chính quyền Mỹ đã đóng cửa hàng loạt bank
- Silicon Valley Bank (Tài sản: 212B, Vốn chủ sở hữu trước đó 16B) – Hạng 18
- Signature Bank (Tài sản 115B) – Ước tính hạng 37
- Silvergate Bank (Tài sản: 11B từ BCTC cuối 2022, ) – Phá sản chứ không phải đóng cửa.
Các ngân hàng này đều có mức độ liên quan tới nhóm công nghệ và tiền số. Nơi mà giá trị tài sản biến đổi nhanh, dẫn tới hoạt động nạp rút trở nên bất thường.
Các ngân hàng lớn đang trong tình trạng báo động về khoản lỗ
Điều này chỉ được thực sự soi xét sau khi SVB phá sản. Người ta bắt đầu nhìn vào báo cáo tài chính các ngân hàng lớn và thấy chúng cũng nắm giữ một lượng trái phiếu dài hạn lớn (HTM). Chúng vẫn được hạch toán là chứng khoán nắm giữ tới kỳ hạn. Điều này đã được giải thích chi tiết ở bài ngân hàng SVB bị đóng cửa vì nhiều tiền.
So với SVB, có 2 sự khác biệt ở đây:
- Khoản lỗ của SVB khi hạch toán lớn hơn cả vốn chủ hở hữu (Equity). Khoản lỗ của các ngân hàng lớn ước tính ở mức 20 – 40% vốn chủ sở hữu.
- Các ngâng hàng này chưa bị bị áp lực thanh khoản, chưa phải bán trái phiếu. Do vậy họ chưa ghi nhận khoản lỗ này trên báo cáo tài chính.
Ví dụ một trái phiếu 100$, có giá thị trường khoảng 95$. Nếu bạn phải bán trái phiếu này, nó đương nhiên là một khoản lỗ. Nhưng nếu bạn hạch toán rằng nó là 1 khoản chứng khoán trị giá $100 chờ tới ngày đáo hạn nhận $108, nó cũng không sai.
Từ dữ liệu này, chúng ta thấy có 2 vấn đề:
- Rủi ro khi thanh khoản bất ngờ tăng đột biến: Đó là câu chuyện mà SVB đã gặp phải. Họ phải bán ra trái phiếu và ghi nhận lỗ.
- Rủi ro khi xuất hiện khoản lỗ khác từ mất vốn, nợ xấu. Lúc này áp lực “tạm lỗ” từ những trái phiếu kia sẽ thật sự hiện ra chứ không thể che dấu.
Mô hình hoạt động cơ bản của ngân hàng
Bạn sẽ hiểu rất rõ vấn đề qua mô hình đơn giản của ngân hàng. Bài viết được giả định bằng dữ liệu thực tế thường gặp của các ngân hàng.
Cơ cấu tài sản của ngân hàng
Vốn chủ sở hữu (Equity Hay vốn ròng) của NH: Đây là phần tiền thịt của ngân hàng, do các cổ đông góp vào hoặc ngân hàng kinh doanh lãi mà có.
Tài sản (Asset) : Tài sản của ngân hàng thường bằng khoảng hơn 10 lần vốn chủ sở hữu của nó. Tài sản đó của ngân hàng, nhưng nó không phải “tài sản ròng” của họ. Nó cơ bản bao gồm:
- Tiền, tiền ngắn hạn lưu động
- Các khoản đầu tư: Cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản đầu tư, coin v.v
- Các khoản cho vay khách hàng
- Các khoản phải thu, tài sản cố định như văn phòng, trụ sở v.v
Phần lớn tài sản này thường là các khoản cho vay, các khoản đầu tư. Khoản 1 thường khoảng 15 – 20%, Khoản 2 khoảng 30% và khoản 3 khoảng 40%. Tỉ lệ giữa khoản 2 và 3 có thể khác biệt tùy chiến lược ngân hàng. Họ ưu tiên hơn lợi nhuận từ đầu tư hay cho vay.
Phần nợ của ngân hàng: Tài sản của họ không tự nhiên mà có, nó được hình thành từ khoản nợ khổng lồ. Số tiền này thường là nợ từ người gửi tiền. Nó cũng có thể là khoản vay, trái phiếu phát hành của ngân hàng đó.
Ví dụ cơ bản về một ngân hàng
Một ngân hàng có vốn ròng 100 tỷ, đang có tài sản 1000 tỷ (Đương nhiên tính ra được khoản nợ của họ là 1000 – 100 = 900 tỷ. Đây là tiền gửi của khách). Trong 1000 tỷ tài sản này có 150 tỷ tiền mặt phục vụ các nhu cầu ngắn hạn, thanh khoản liên tục. Họ có 400 tỷ cho khách hàng vay và 300 tỷ cho các hoạt động đầu tư. 150 tỷ là giá trị văn phòng, các tiền cần thu, các tài sản khác.
Mỗi năm, ngân hàng đạt hiệu suất trên tài sản là 2%, tức 2% của 1000 tỷ sẽ là 20 tỷ. Vậy lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ là 20%. Một con số khá ổn.
Tính đặc thù của mô hình ngân hàng
Một vấn đề của ngân hàng rất dễ thấy là tài sản của nó quá lớn so với chủ sở hữu. Nó gấp 10, thậm chí là 15 lần. Điều này đồng nghĩa khi tài sản biến động 1%, biến động trên vốn chủ sở hữu sẽ được đòn bẩy lên gấp 10. Ngân hàng luôn là doanh nghiệp nợ nhiều nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
Trong ví dụ trên, giả sử khoản đầu tư trị giá 300 tỷ (30% tổng tài sản) thua lỗ 10%. Đó không phải là con số khó gặp khi đầu tư. Lúc này con số lỗ của ngân hàng là 30 tỷ. So với 1000 tỷ tài sản, nó không phải quá ghê gớm. Nhưng so với vốn chủ sở hữu là rất đáng kể. 3 khoản lỗ như vậy đã khiến ngân hàng đi đến bước phá sản.
Một ví dụ khác, giả sử khoản cho vay khách hàng có 3% nợ xấu. Bạn vừa nghe qua thì thấy rằng, chỉ mất vốn 3% không quá nghiêm trọng? Nhưng đó là 3% của khoản tiền 400 tỷ. Tương đương khoản mất vốn dự kiến có thể lên tới 12 tỷ. Lại so với tài sản 1000 tỷ, nó khá nhỏ, nhưng so với vốn chủ sở hữu nó đáng kể.
Ngân hàng phá sản
Sau khi thấy được đặc thù ngân hàng, bạn sẽ hiểu rằng: Chà ngân hàng phá sản cực dễ chứ không hề khó. Được quản lý số vốn quá lớn, một sai lầm nhỏ đủ khiến một ngân hàng lỗ toàn bộ số vốn chủ sở hữu.
Xin tránh nhầm lẫn rằng
phá sản đồng nghĩa với mất trắng. Chỉ có chủ của ngân hàng, các cổ đông đã mất trắng vốn của họ. Những người gửi tiền hoàn toàn có thể không mất tiền.
Ở ví dụ trên, khi ngân hàng đó lỗ hết 100 tỷ nó được coi đã rơi vào trạng thái phá sản. Nhưng tài sản của nó khi đó vẫn đủ 900 tỷ, đủ để trả cho các chủ nợ (Đa số là người gửi tiền).
Ngay ở Việt Nam, các ngân hàng bị mua lại 0 đồng cũng khá nhiều. Đó là các ngân hàng đã phá sản, và người gửi tiền hoàn toàn không mất tiền. NHNN cũng không hề phải bỏ thêm, chỉ đơn giản vốn chủ sở hữu đã về mức 0 (Thường là âm nhẹ).
Vụ phá sản kinh điển Lehman Brothers năm 2008 cũng tương tự. Toàn bộ người gửi tiền không ai mất tiền, các chủ nợ có tài sản đảm bảo cũng nhận đủ tiền (Tổng khoản hơn 100 tỷ sau khi bán tài sản). Các chủ nợ không có tài sản đảm bảo được chia sau cùng, dc khoảng 41%. Như vậy vụ phá sản này: Cổ đông mất trắng, người gửi tiền, người cho vay có tài sản đảm bảo nhận đủ. Người nắm giữ trái phiếu không tài sản đảm bảo v.v còn lại 41%.
Điều tương tự cũng xảy ra với 2 ngân hàng gần đây là SVB hay Signature Bank, không ai mất tiền.
Một vụ ngân hàng phá sản chỉ gây xáo trộn bánh xe kinh tế, không phải mọi số tiền gửi tại ngân hàng đều mất trắng. Việc phải chờ thanh lý tài sản mới nhận được đủ tiền có thể khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Nhưng nó đương nhiên không tệ như việc mất tất cả tiền.
Nhìn chung, gửi tiền trong ngân hàng vẫn là một việc rất an toàn.
Giải cứu ngân hàng
Các NHTW đều chọn phương án cứu ngân hàng thay vì cho chúng phá sản. Họ thường chỉ để việc phá sản xảy ra trong tình huống không thể cứu chữa. Ngân hàng có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của một nền kinh tế. Các trường hợp phá sản, đóng cửa đều là trường hợp không thể (nên) cứu.
Ví dụ trường hợp của Lehman Brothers, đây là một ngân hàng đầu tư. Phần tài sản của nó có quá nhiều bất động sản. Đó không phải hoạt động kinh doanh chắc chắn và cốt lõi của ngân hàng. Nếu như tài sản của nó là trái phiếu chính phủ hay khoản vay, mọi thứ còn có thể xác định. Với tài sản toàn là BĐS, không lẽ việc giải cứu là mua vào và chờ ngày BĐS lên để khoản lỗ biến mất? Không ai có thể giải cứu khi “tài sản” của nó bất định trong tương lai.
Trường hợp của SVB, khách hàng của nó thuộc nhóm nhạy cảm. Họ dễ đến dễ đi và sẽ nhanh chóng bỏ đi khi bất ổn xảy ra. Chưa kể việc giải cứu thường chỉ xảy ra khi vốn chủ sở hữu được xác định nguy kịch. SVB đã lỗ toàn bộ vốn chủ sở hữu 1 cách quá nhanh. Kết hợp với tốc độ rút tiền chóng mặt, việc đóng cửa là hợp lý.
Trường hợp các ngân hàng ở Việt Nam. Chúng thường được cho một thời gian “ngầm” để cơ cấu. Sau một thời gian nếu vẫn không có hiệu quả (do việc mất vốn), NHNN sẽ can thiệp để đảm bảo ổn định tài chính.
Giải cứu ngân hàng như thế nào?
Việc giải cứu ngân hàng sẽ được thực hiện qua các thao tác sau:
- Đánh giá, ước tính số vốn còn lại của ngân hàng để quyết định giải cứu hay cho phá sản. Nó chủ yếu là đánh giá các tài sản.
- Đánh giá hoạt động kinh doanh cốt lõi, xem có khả năng sinh lợi nhuận sau khi được hỗ trợ.
- Hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn, để xử lý nhu cầu rút tiền đột ngột khi hoảng loạn.
- Hỗ trợ tiền (Từ nhà nước hoặc các tổ chức tư nhân) để bù đắp khoản thua lỗ.
- Đảm bảo về mặt uy tín, pháp lý để ổn định tâm lý người gửi tiền (Việc này chỉ nhà nước làm được)
- Chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh để nó tự tạo lợi nhuận sau khủng hoảng.
Giải cứu ở quy mô nhỏ thường được các ngân hàng tự làm. Nó chính là ý thứ 4. Họ sẽ huy động vốn từ các cá nhân tổ chức thông qua phát hành cổ phiếu, để bù đắp vào khoản lỗ. Việc này hoàn toàn khả thi khi các yếu tố 1, 2 đều tốt. Họ cũng có thể chọn cách bán mình cho một ngân hàng khác.
Khi mọi thứ đã tồi tệ hơn, luôn phải có sự can thiệp từ phía NHTW. Chỉ các NHTW mới đủ uy tín, năng lực để cải thiện tình hình. Họ sẽ hỗ trợ một khoản vốn để bảng cân đối kế toán ổn hơn. Sau đó ngân hàng vẫn hoạt động như cũ, sau vài năm sẽ xóa được khoản thua lỗ do sai lầm.
Tình trạng các ngân hàng lớn của Mỹ và giải pháp
Tình trạng sơ bộ đã nói ở mục trên. Các ngân hàng này đã thực sự tạo ra khoản lỗ vốn chủ sở hữu. Nó chỉ chưa thống kê, số tiền cũng đáng kể.
Chúng ta có 3 dữ liệu tích cực ở đây:
- Khoản lỗ từ đầu tư (TP) cơ bản không tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh, khi lãi suất sớm chuyển sang giai đoạn đi ngang. Lạm phát cũng cơ bản được kiểm soát. Do đó có thể coi là khoản lỗ đã được khoanh lại.
- Các hoạt động kinh doanh lõi: Cho vay khách hàng vẫn ổn định và sinh lợi nhuận.
- Tổng số lỗ / Vốn chủ sở hữu chưa tới mức thảm họa, mới đạt 20 – 40%. Đây là mức nếu không có khó khăn thêm, mất khoảng 3 năm để nó biến mất.
Bạn đang kinh doanh cả quán nét lẫn Spa. Quán nét đã lỗ, nhưng việc lỗ đã tạm dừng cơ bản. Spa vẫn hoạt động và tạo lợi nhuận ổn định, đương nhiên bạn có thể gồng gánh qua khó khăn. Thậm chí bạn vẫn có thể “giấu” lỗ từ việc kinh doanh quán nét, do Spa đã gánh cả.
Các ngân hàng cũng vậy, nó vẫn rất ổn khi khoản lỗ đã có thể cơ bản xử lý. Nhưng rủi ro sẽ xuất hiện đáng kể nếu mảng kinh doanh còn lại: Cho vay khách hàng gặp rủi ro. Các khách hàng bắt đầu gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao. Nợ xấu kéo đến, Spa không thể gánh cho quán nét nữa.
Sự lo lắng từ thị trường về các vấn đề của ngân hàng có vẻ như hơi “thái quá”.
Giải pháp của chính quyền Mỹ hiện tại
Bộ Tài Chính, Tổng Thống Mỹ và Fed đã có cái nhìn khá chính xác về tình trạng lúc này của các ngân hàng lớn. Họ đưa ra 2 giải pháp:
- Cho phép các ngân hàng vay một khoản tiền, thế chấp bằng trái phiếu chính phủ. Việc này sẽ hỗ trợ họ trong việc thanh khoản trong tình huống cần tăng thanh khoản gấp.
- Trấn an về tinh thần bằng 02 việc: Khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn an toàn. Khẳng định tiền gửi tại 2 ngân hàng đã đóng cửa vẫn ổn và giúp họ tiếp cận khoản tiền của mình nhanh nhất.
Đánh giá:
Giải pháp này được cho là có hiệu quả với tình trạng hiện tại. Nguồn tiền sẵn sàng phục vụ của các ngân hàng đều lớn (15%+). Chưa có rủi ro nào về việc rút tiền hàng loạt sẽ xảy ra. Ngoài ra, việc kinh doanh lõi cũng chưa có dấu hiệu rủi ro. Một khoản vay sẵn sàng cũng có thể hỗ trợ việc tránh phải bán tài sản và hạch toàn lỗ ngay lập tức.
Giải pháp xóa hoàn toàn khó khăn
Đây là giải pháp được sử dụng để “trám” phần lớn khoản lỗ sinh ra từ hoạt động đầu tư trái phiếu. Hiện tại số tiền không quá nhiều và không có nguy cơ tăng mạnh. Đó là các ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để bù vào số tiền đó. Đương nhiên tiền của các cổ đông cũ sẽ bị pha loãng đáng kể.
Giải pháp này hiện không (chưa) xảy ra. Thứ nhất các cổ đông của ngân hàng cho rằng mọi thứ vẫn đang ổn, họ có thể tự vượt qua khó khăn này. Việc pha loãng sẽ khiến họ lỗ ngay lập tức số tiền đáng kể. Phía chính quyền, cũng không có lý do để hỗ trợ mang tính chất quá mạnh mẽ khi bảng cân đối của các ngân hàng vẫn lành mạnh.
Cho dù có hạch toán toàn bộ số lỗ hiện tại từ các chứng khoán đầu tư, họ vẫn ổn.
Rủi ro lớn sẽ xảy ra trong tình huống nào?
2 vấn đề lớn sẽ gây ra rủi ro trong tương lai:
- Nợ xấu: Khi các khách hàng gặp khó khăn do bối cảnh hiện tại, khiến khoản lỗ từ hoạt động cho vay sinh ra.
- Khách hàng rút tiền quy mô lớn: Khi số tiền rút ở quy mô quá lớn, hỗ trợ từ chính quyền bằng cách cho vay sẽ không đủ. Nó không tạo ra khoản lỗ trực tiếp khi bán tài sản, nhưng tạo thêm một khoản nợ lớn phải trả lãi. Ở mức lãi suất hiện tại, nó còn tồi tệ hơn việc bán tài sản.
Cả 2 rủi ro này hiện tại còn khá xa mới xảy ra. Do vậy đánh giá của của TT Biden về hệ thống ngân hàng vẫn ổn định cũng không tới mức: “Tau khỏe mà, có chi mô”.
Đối với rủi ro từ việc các khoản vay lãi suất cố định (như vay mua nhà) nó cũng không lớn. Với kỳ hạn 10, 20, 30 năm, lãi suất từ các năm trước và hiện tại không có quá nhiều chênh lệch.
Đánh giá tổng quan
- Những sự việc đã xảy ra không có tác động gì lớn với nền kinh tế hay người gửi tiền. Tác động lớn nhất chủ yếu là về mặt tâm lý.
- Chưa có khả năng về những sự sụp đổ hay thảm họa xảy ra. Các khoản lỗ đã được ghi nhận, nhưng nó chưa đủ để tạo ra một sự sụp đổ. Giống như một phản ứng hóa học, cần rất nhiều chất xúc tác lúc này.
- Phản ứng của chính quyền là phù hợp. Đúng và đủ ít nhất ở hiện tại.
Bài viết này chỉ đánh giá duy nhất câu chuyện ngân hàng ở Mỹ. Đối với giải pháp và hành động chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm ở bài phân tích tổng quan. Ở đó có thêm dữ liệu về chính sách của fed, tâm lý thị trường, kinh tế vĩ mô và nguồn cung tiền.