Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Chỉ báo kỹ thuật có lẽ là công cụ giao dịch được ưa chuộng nhất bởi hầu hết các trader mới khi bắt đầu tập tành phân tích thị trường. Đơn giản vì chúng dễ sử dụng, tín hiệu tạo ra rõ ràng nên trader có thể vận dụng tốt để phân tích diễn biến của thị trường.

Bài viết lần này, TradaFX.com sẽ trình bày sơ lược về các loại chỉ báo trong giao dịch forex, cách mà chỉ báo hoạt động, các loại tín hiệu được tạo ra từ chỉ báo và đặc biệt là giới thiệu 3 chỉ báo cơ bản nhưng cực kỳ mạnh mẽ, rất phù hợp để các trader mới bắt đầu luyện tập phân tích xu hướng bằng chỉ báo. Cùng theo dõi nhé.

Chỉ báo là gì? 

Theo từ điển kinh tế thì chỉ báo được định nghĩa là các chỉ tiêu mang tính mô tả và báo trước được sử dụng để phân tích điều kiện kinh doanh và dự báo kinh tế.

Còn trong giao dịch forex, nói một cách dễ hiểu thì chỉ báo là đại lượng, công cụ giao dịch có khả năng dự báo được xu hướng biến động của tỷ giá trên thị trường.

Chỉ báo là đại lượng biến thiên theo thời gian, ứng với mỗi thời điểm, nó sẽ có một giá trị nhất định. Giá trị của chỉ báo được tính dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, nếu là các yếu tố liên quan đến chính sách kinh tế, ta có nhóm chỉ báo kinh tế, nếu là giá cả, khối lượng, ta có nhóm chỉ báo kỹ thuật.

Vậy, chỉ báo trong giao dịch tài chính nói chung và giao dịch forex nói riêng bao gồm 2 nhóm:

  • Chỉ báo kinh tế
  • Chỉ báo kỹ thuật

Chỉ báo kinh tế là gì?

Thông thường khi nhắc đến chỉ báo trong giao dịch forex, người ta sẽ nghĩ ngay đến indicators (chỉ báo kỹ thuật) và cho rằng chỉ có các trader phân tích kỹ thuật mới dùng đến chỉ báo. Thực ra, các trader phân tích cơ bản cũng dùng các chỉ báo kinh tế để dự đoán về biến động giá trên thị trường.

Chỉ báo kinh tế (economic indicators) là các dữ liệu được tính toán dựa trên thực trạng nền kinh tế của một quốc gia. Các chỉ báo kinh tế quan trọng nhất của một quốc gia và cũng là những chỉ báo kinh tế được sử dụng chủ yếu trong phân tích cơ bản trên thị trường ngoại hối, bao gồm: Lãi suất, Lạm phát, GDP, Tỷ lệ thất nghiệp, CPI…

t 4SR49U1vskLq0LvCNpuTx7Inhwzp1hqer1hsUnE8sh5K5c2cJRFIqUhEPRNWu 4p9 mWMhWaBpHAYoW1JIyO2BnJZJqGc8P M9Ekf4DGLdBkoBXaIO1H8KNQ28dyf24QSrCb5MIzsf70ThpCHQbQ - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Nền kinh tế của tất cả các quốc gia đều được đặc trưng bởi các chỉ báo kinh tế này nhưng giá trị của chúng sẽ khác nhau vì sự phát triển của mỗi quốc gia là khác nhau. Và cũng không phải chỉ báo kinh tế của quốc gia nào cũng ảnh hưởng đến thị trường forex. Riêng đối với Hoa Kỳ, hầu hết các chỉ báo của cường quốc mạnh nhất về kinh tế này đều ảnh hưởng đến các tất cả các thị trường tài chính, kể cả forex.

Trong số các chỉ báo kinh tế kể trên thì Lạm phát, GDP, Tỷ lệ thất nghiệp hay CPI đều được tính toán trên những số liệu có thực của nền kinh tế. Còn với Lãi suất, chỉ báo này được công bố bởi Cục Dự Trữ Liên Bang (FED), lãi suất sẽ được điều chỉnh để phù hợp với thực trạng của nền kinh tế được thể hiện thông qua các chỉ báo khác.

Để sử dụng chỉ báo kinh tế trong phân tích, trader sẽ theo dõi chúng trên Lịch kinh tế (Economic Calendar). Trader quan tâm đến cặp tỷ giá nào thì sẽ theo dõi các chỉ báo kinh tế của quốc gia có trong cặp tiền đó, nhưng không bao giờ bỏ qua các chỉ báo kinh tế của Hoa Kỳ. Khi các chỉ báo kinh tế này được công bố, trader sẽ so sánh giá trị dự báo với giá trị thực tế. Nếu giá trị thực tế có thay đổi theo hướng tích cực so với dự báo thì tiền tệ sẽ có xu hướng tăng giá và ngược lại, nếu giá trị thực tế thay đổi theo hướng tiêu cực so với dự báo thì tiền tệ quốc gia có xu hướng giảm giá.

Chỉ báo kỹ thuật là gì?

Chỉ báo kỹ thuật là một đại lượng được tính toán dựa trên các dữ liệu về giá cả hoặc khối lượng của tài sản trong quá khứ và được sử dụng để dự đoán xu hướng biến động của giá trong tương lai.

Các chỉ báo kỹ thuật được tính dựa trên những công thức toán học từ cơ bản đến phức tạp. Có chỉ báo kỹ thuật chỉ bao gồm một thành phần nhưng cũng có chỉ báo kỹ thuật có đến bốn, năm thành phần.

Nếu trong phân tích cơ bản, chỉ có khoảng vài chỉ báo kinh tế quan trọng thì trong phân tích kỹ thuật, số lượng chỉ báo lên đến con số vài trăm.

Nếu chỉ báo kinh tế mang tính khách quan (vì nó thể hiện đúng thực trạng nền kinh tế của một quốc gia) thì chỉ báo kỹ thuật lại mang tính chủ quan nhiều hơn bởi nó được tạo ra bởi con người. Và trên thực tế, cùng một chỉ báo kỹ thuật nhưng mỗi trader vẫn có thể điều chỉnh, thay đổi các thông số hoặc cả cách tính và sử dụng theo mỗi cách khác nhau, từ đó cũng có những nhận định khác nhau về xu hướng.

Trong những phần tiếp theo của bài viết, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục đề cập đến những khía cạnh khác của chỉ báo kỹ thuật. Do đó, chúng ta có thể gọi chỉ báo kỹ thuật ngắn gọn là chỉ báo hoặc indicators.

Ý nghĩa của chỉ báo kỹ thuật

Vì được tính toán dựa trên giá cả, khối lượng trong quá khứ và hiện tại nên chỉ báo thể hiện được sự tương quan giữa hiện tại và quá khứ. Mặt khác, theo trường phái phân tích kỹ thuật thì giá cả phản ánh mọi thứ tác động lên nó và những gì đã xảy ra trong quá khứ đều có khả năng được lặp lại, do đó, nhìn vào chỉ báo kỹ thuật, trader có thể dự đoán được những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Chỉ báo kỹ thuật có thể cho biết giá sẽ tăng lên hay giảm xuống trong tương lai; xu hướng hiện tại đang mạnh mẽ và thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng hiện tại hay động lực xu hướng đang yếu dần đi và thị trường sẽ đảo chiều.

Mỗi chỉ báo có một chức năng nhất định, có chỉ báo chỉ cung cấp tín hiệu về xu hướng hiện tại, có chỉ báo chỉ xác định động lực của xu hướng nhưng cũng có những chỉ báo toàn diện, có thể cung cấp tất cả những thông tin trên.

Chỉ báo kỹ thuật hoạt động như thế nào?

Một chỉ báo kỹ thuật sẽ hoạt động tốt nếu trader sử dụng đúng mục đích, đúng với chức năng của nó trên khung thời gian phù hợp.

Không phải chỉ báo nào cũng đều hoạt động tốt trên tất cả các khung thời gian. Đa số chúng đều cung cấp tín hiệu đáng tin cậy trên những khung thời gian lớn như M30, H1, H4, D1..  và chỉ có một số ít là cung cấp tín hiệu tốt trên những khung thời gian nhỏ như M1, M5. Do đó, đối với các giao dịch lướt sóng (scalping trading), các bạn phải lựa chọn chỉ báo và tín hiệu giao dịch phù hợp.

Để sử dụng chỉ báo kỹ thuật trong phân tích, các bạn phải chèn chúng vào biểu đồ giá. Có chỉ báo sẽ được hiển thị ngay trên khu vực đồ thị giá như MA, Bollinger Bands nhưng cũng có chỉ báo sẽ được tách riêng thành một khu vực ngay phía dưới đồ thị giá như MACD, RSI…

a1b55db89433417850028df39a30fec0 - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Khi chỉ báo di chuyển, chúng sẽ tạo ra các tín hiệu giao dịch. Trader nhìn vào đặc điểm của chỉ báo hoặc vị trí của chỉ báo so với giá để tìm ra các tín hiệu giao dịch này. Ví dụ: nhìn vào vị trí của chỉ báo RSI so với các ngưỡng 30, 70 (trên đồ thị chỉ báo) để xác định tín hiệu quá mua, quá bán. Nhưng nếu muốn tìm tín hiệu phân kỳ, hội tụ, các bạn phải quan sát cả RSI và đồ thị giá vì tín hiệu phân kỳ, hội tụ cần sự kết hợp của cả chỉ báo và đồ thị giá.

Các nhóm chỉ báo kỹ thuật chính trong giao dịch forex

Có 2 cách phân loại chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch forex

Cách 1: phân loại dựa vào chức năng. 

Ta có, 3 nhóm chỉ báo chính, bao gồm

Nhóm chỉ báo xu hướng (Trend indicators)

Đúng với tên gọi của nó thì các chỉ báo trong nhóm này có chức năng chính là xác định xu hướng hiện tại của thị trường. Phần lớn các chỉ báo này đều được tính dựa trên tính chất trung bình của dữ liệu giá, nên chúng thể hiện được tốt nhất xu hướng của giá.

Các trend indicators cung cấp tín hiệu cho biết thị trường đang uptrend, downtrend hay sideway. Đồng thời, chúng cũng có thể được sử dụng để dự báo về xu hướng thị trường trong tương lai.

Một số chỉ báo xu hướng phổ biến như MA, Bollinger Bands, ADX, PSAR, Ichimoku…

Nhóm chỉ báo dao động (Oscillator Indicators)

Chức năng chủ yếu của nhóm chỉ báo này chính là xác định động lực hiện tại của xu hướng, tức xu hướng đang mạnh mẽ hay suy yếu. Nếu động lực xu hướng đang mạnh thì giá sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại, nếu động lực đang suy yếu thì thị trường có khả năng đảo chiều.

Ngoài ra, các chỉ báo dao động còn cho biết khi nào tài sản đang bị mua quá mức hoặc bán quá mức, từ đó trader có thể dự báo được khả năng thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh để đưa giá quay trở lại đúng với giá trị của nó.

Một số chỉ báo dao động được trader ưa chuộng sử dụng như MACD, RSI, Stochastic, CCI, Momentum…

Nhóm chỉ báo khối lượng (Volume indicators)

Nhóm chỉ báo khối lượng bao gồm một số chỉ báo đặc thù như Volume, MFI, OBV, A/D. Chúng cho biết khối lượng hoặc dòng tiền đổ vào đổ ra trên mỗi phiên giao dịch, từ đó trader có thể xác định được động lực của xu hướng hiện tại. Nhóm chỉ báo khối lượng thường dùng để xác nhận lại các đợt giá breakout, xác nhận các giai đoạn tích lũy, hợp nhất của xu hướng.

Cách 2: phân loại dựa vào độ trễ của tín hiệu 

Với cách phân loại này thì chỉ báo kỹ thuật được chia thành 2 nhóm: nhóm chỉ báo nhanh và nhóm chỉ báo chậm.

Chỉ báo nhanh (Leading indicators)

Là các chỉ báo cung cấp tín hiệu giao dịch đi trước chuyển động của giá, tức là tín hiệu xuất hiện trước trên chỉ báo, sau đó giá di chuyển theo hướng mà tín hiệu đã dự báo.

Nhóm chỉ báo nhanh thường là các chỉ báo thuộc nhóm chỉ báo dao động, chẳng hạn như RSI, CCI, Stochastic.

Ví dụ:

78c47ea3a08c4c34a50b855caed52c01 - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Tín hiệu phân kỳ giữa giá và RSI xuất hiện, sau đó thị trường đảo chiều giảm theo đúng như tín hiệu đã tạo ra. Giá giảm sau khi tín hiệu phân kỳ xuất hiện.

Ưu điểm lớn nhất của các chỉ báo nhanh là lợi nhuận được tối ưu hóa vì trader có khả năng đón đầu xu hướng nhờ tín hiệu giao dịch được tạo ra sớm. Mặt khác, hạn chế của nhóm chỉ báo này chính là có quá nhiều tín hiệu gây nhiễu, nếu không biết cách chọn lọc tín hiệu, rủi ro sẽ rất lớn.

Chỉ báo chậm (Lagging indicators)

Là các chỉ báo cung cấp tín hiệu giao dịch bị trễ, tức là giá đã dịch chuyển theo tín hiệu một thời gian thì tín hiệu mới xuất hiện trên chỉ báo.

Các chỉ báo chậm phổ biến như MA, MACD, Momentum.

Ví dụ:

04837e937aae47c7d65a6873166f3c9c - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Giá đã đảo chiều được một thời gian thì tín hiệu giao cắt giữa chỉ báo MA và giá mới xuất hiện độ trễ tín hiệu.

Mặc dù không thể bắt đỉnh, bắt đáy, tức tiềm năng lợi nhuận ít đi, do tín hiệu tạo ra có độ trễ nhưng các chỉ báo chậm thường ít tín hiệu gây nhiễu hơn.

Các loại tín hiệu giao dịch tạo ra từ chỉ báo kỹ thuật

Mỗi chỉ báo sẽ cung cấp một hoặc một số loại tín hiệu giao dịch nhất định và không phải tín hiệu nào cũng đáng tin cậy để sử dụng. Cùng một chỉ báo nhưng mỗi tín hiệu của nó lại phù hợp và hiệu quả trên mỗi chiến lược khác nhau.

Tín hiệu vị trí giữa chỉ báo và đồ thị giá

Tức chỉ báo đang ở vị trí như thế nào so với đồ thị giá. Tín hiệu này thường cung cấp thông tin xác định xu hướng hiện tại của thị trường.

Ví dụ: đường MA20 nằm trên đường giá → thị trường đang trong xu hướng giảm. Đường MA20 nằm dưới đường giá → thị trường đang trong xu hướng tăng.

Tín hiệu giao cắt

Tín hiệu giao cắt có thể là giữa các thành phần của chỉ báo (ví dụ như giữa đường MACD với đường Signal, hay giữa đường +DI với đường -DI của chỉ báo ADX…) hoặc giữa chỉ báo và đường giá (ví dụ giữa MA với giá). Tín hiệu này cho biết sự thay đổi của xu hướng giá.

Ví dụ: tín hiệu giao cắt giữa đường MA20 và đường giá: nếu phần lớn các mức giá đang nằm dưới chỉ báo MA20 → thị trường đang trong xu hướng giảm, khi giá cắt MA20 từ dưới lên→ thị trường chuyển sang xu hướng tăng.

31e4134c289564747922dc47d0332227 - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Tín hiệu quá mua, quá bán

Là loại tín hiệu được tạo ra bởi các chỉ báo dao động bên trong phạm vi bị giới hạn bởi 2 biên trên và dưới như RSI hay Stochastic. Khi chỉ báo tiến gần sát biên trên thì thị trường đang rơi vào trạng thái quá mua, khi giá tiến sát biên dưới thì tức là thị trường đang ở trạng thái quá bán.

Ví dụ: RSI vượt lên trên ngưỡng 70 → quá mua → thị trường có khả năng điều chỉnh giảm. RSI vượt xuống dưới ngưỡng 30 → quá bán → thị trường có khả năng điều chỉnh tăng.

5c4e8e7b335d5408934e5c0c1c716a5a - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Hoặc chỉ báo Stochastic sẽ sử dụng 2 ngưỡng 80-20 làm các ngưỡng quá mua, quá bán.

Tín hiệu phân kỳ, hội tụ

Là tín hiệu tạo ra từ chỉ báo kết hợp đường giá, cho biết động lực của xu hướng hiện tại và dự báo về khả năng đảo chiều.

Phân kỳ: là khi giá đang tạo ra đỉnh mới cao hơn (thị trường đang trong xu hướng tăng) nhưng chỉ báo lại tạo đỉnh mới thấp hơn → cho biết động lực của xu hướng tăng đang suy yếu → khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm.

Hội tụ: là khi giá đang tạo đáy mới thấp hơn (thị trường đang trong xu hướng giảm) nhưng chỉ báo lại tạo đáy cao hơn → động lực của xu hướng giảm đang suy yếu → khả năng thị trường sẽ đảo chiều tăng.

Ví dụ: tín hiệu phân kỳ, hội tụ trên chỉ báo RSI.

04d4c7b45e401f42429e39c79b961244 - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Ngoài ra, mỗi chỉ báo còn cung cấp những loại tín hiệu riêng của nó. Ví dụ:

  • Chỉ báo Bollinger Bands có các tín hiệu như: giá đóng cửa bên ngoài dải trên và dải dưới, tín hiệu dải Bollinger Bands bị co lại (nút thắt cổ chai)
  • Chỉ báo ADX: tín hiệu về vị trí của đường ADX với các ngưỡng 20, 25, 50, 75…
  • Chỉ báo Ichimoku: tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen, tín hiệu vị trí và khoảng cách giữa Chikou – Span và đường giá, tín hiệu giá đâm thủng mây Kumo…

Trên thực tế, trader sẽ không sử dụng các tín hiệu này độc lập mà sẽ kết hợp chúng với nhau hoặc kết hợp tín hiệu từ công cụ phân tích khác như mô hình nến, mô hình giá… để kết quả phân tích được chính xác hơn, giao dịch hiệu quả hơn.

Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

Việc lựa chọn chỉ báo để giao dịch phụ thuộc hoàn toàn vào phong cách và chiến lược giao dịch của mỗi trader. Sẽ có những chỉ báo hoạt động cực kỳ hiệu quả trong các chiến lược giao dịch thuận xu hướng, và cũng có những chỉ báo cung cấp tín hiệu đảo chiều rất đáng tin cậy. Hoặc những chỉ báo hoạt động tốt trên khung thời gian ngắn sẽ phù hợp với phong cách giao dịch lướt sóng, ngược lại, các chỉ báo chỉ phát ra tín hiệu đáng tin cậy trên những khung thời gian lớn chỉ được sử dụng trong các giao dịch dài hạn.

Với hệ thống vài trăm chỉ báo kỹ thuật như hiện nay trên thị trường thì tất nhiên chúng ta không thể nào học cách sử dụng của tất cả số chỉ báo đó. Mà trên thực tế, mỗi trader sẽ chỉ chuyên sử dụng một vài chỉ báo mà thôi. Trong đó, có 3 chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhưng cực kỳ mạnh mẽ mà bất kỳ một trader nào cũng nên biết, đó là MA, RSI và MACD.

MA

MA có lẽ là chỉ báo kỹ thuật cơ bản nhất mà hầu như trader nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. MA thuộc nhóm chỉ báo xu hướng và nó cũng là chỉ báo làm tốt nhất trong vai trò xác định xu hướng thị trường.

Để xác định xu hướng dài hạn, trader thường sẽ sử dụng các đường MA với chu kỳ dài, cụ thể là MA200 với tín hiệu vị trí giữa MA và đường giá. Cụ thể:

  • Nếu phần lớn giá nằm trên MA200 → xu hướng tăng
  • Nếu phần lớn giá nằm dưới MA200 → xu hướng giảm.

Còn để xác định sức mạnh của xu hướng, trader sẽ sử dụng các đường MA với chu kỳ ngắn hơn. Cụ thể, chỉ báo MA20 được dùng để xác định xu hướng là tăng mạnh hay giảm mạnh, nếu phần lớn giá nằm trên MA20 thì là tăng mạnh, nằm dưới MA20 là giảm mạnh. Còn để xác định xu hướng thị trường có ổn định hay không thì chỉ báo MA50 sẽ được sử dụng.

Nói tóm lại, chỉ báo MA cực kỳ dễ sử dụng, cực kỳ đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong việc xác định xu hướng thị trường. Là chỉ báo cơ bản nhưng lại rất được ưa chuộng bởi các pro traders.

RSI

Chỉ báo RSI là một trong những chỉ báo làm tốt nhất trong vai trò xác định động lực/sức mạnh của xu hướng. RSI được sử dụng trong cả chiến lược giao dịch thuận xu hướng lẫn chiến lược giao dịch đảo chiều xu hướng. Cụ thể:

  • Tín hiệu quá mua, quá bán của RSI hoạt động hiệu quả trong các chiến lược giao dịch thuận xu hướng. Nghĩa là nếu giá đang trong xu hướng tăng, trader sẽ mua vào nếu RSI bắt đầu rời khỏi vùng quá bán. Hoặc nếu giá đang trong xu hướng giảm, trader sẽ bán ra khi RSI bắt đầu rời khỏi vùng quá mua.
  • Tín hiệu phân kỳ, hội tụ: tín hiệu này thì lại được sử dụng trong chiến lược giao dịch đảo chiều.

Nếu các bạn có theo dõi những bài viết hướng dẫn giao dịch của chúng tôi tại TradaFX.com thì có thể thấy rằng RSI luôn là chỉ báo kỹ thuật đầu tiên được lựa chọn để giao dịch kết hợp hoặc xác nhận lại tín hiệu từ chỉ báo kỹ thuật khác hoặc tín hiệu từ những công cụ phân tích khác như mô hình nến.

Ví dụ: tín hiệu hội tụ của RSI xác nhận lại tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến

abff9ae42f31b7d3d84d313e198bdd81 - Chỉ báo là gì? Top 3 chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ nhất mà trader nên biết

MACD

Có thể nói, chỉ báo MACD chính là sự kết hợp hoàn hảo của MA và RSI, tức MACD có thể vừa đảm nhận vai trò xác định xu hướng vừa làm tốt nhiệm vụ xác định động lực của xu hướng. Trong đó, vị trí giữa MACD với đường Signal cho biết thông tin về xu hướng hiện tại, tín hiệu giao cắt giữa chúng dự báo về khả năng thay đổi xu hướng và tín hiệu phân kỳ/hội tụ giữa MACD và giá cho biết về khả năng đảo chiều xu hướng.

Kết luận

Cho dù bạn theo đuổi trường phái phân tích nào đi chăng nữa thì cũng cần phải hiểu và nắm rõ cách mà các chỉ báo kinh tế quan trọng như lãi suất, lạm phát… tác động đến tỷ giá, đồng thời biết cách sử dụng một vài chỉ báo kỹ thuật cơ bản nhưng cực kỳ mạnh mẽ như MA, MACD hay RSI.

Chỉ báo sẽ phát huy tối đa tính hiệu quả của nó nếu các bạn sử dụng đúng cách và đúng mục đích. Do đó, trước tiên, cần lựa chọn chỉ báo phù hợp với phong cách và chiến lược của mình, tiếp đến luyện tập sử dụng thật nhiều để biết cách loại bỏ các tín hiệu gây nhiễu và để việc sử dụng chỉ báo trong giao dịch đạt hiệu quả cao nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

>> Xem thêm: Tài khoản Cent là gì? Mở tài khoản Cent tại các broker uy tín

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *