Stagflation là gì? Nên chuẩn bị gì khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái Stagflation?

Thuật ngữ Stagflation đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn từ sau cuộc đại suy thoái toàn cầu vào những năm 1970s. Sau này, các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách ít nhắc đến nó, hay nói đúng hơn là không muốn nhắc đến vì Stagflation ám chỉ một trạng thái kinh tế cực kỳ tồi tệ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine được đẩy lên cực độ thì thuật ngữ Stagflation lại bắt đầu được tìm kiếm nhiều hơn. Các nhà phân tích kinh tế cũng đưa ra nhiều nhận định hơn về khả năng Stagflation sẽ xảy ra ở không chỉ một mà rất nhiều những quốc gia có liên quan đến cuộc xung đột này.

Trong chuyên mục Cafe FX lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những vấn đề xoay quanh thuật ngữ Stagflation và với tư cách một nhà đầu tư tài chính, chúng ta nên chuẩn bị những gì nếu trường hợp Stagflation thực sự xảy ra?

Stagflation là gì?

Có rất nhiều cách dịch nghĩa thuật ngữ này sang tiếng Việt, có thể là “lạm phát kèm suy thoái”, “lạm phát đình trệ”, “trì lạm”, “đình lạm”… nhưng tất cả chúng đều đang ám chỉ tình trạng một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng kinh tế chậm biểu hiện ở tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm, còn giá cả hàng hóa tăng không kiểm soát chính là lạm phát.

UASIfno6qoaDNMfj8lSORyX9XEwlMATeA1TyzNYKTRZpY9c7XFiKWxwOVnb4wx9DoQkbdh0srRL0KSZIk7ywaklnnqMLCyO WR247K9aqtH7B YKVPppn8tCElIB2f8i9fu5ptmXNOrc67FSsd Yzg - Stagflation là gì? Nên chuẩn bị gì khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái Stagflation?

Thông thường, một nền kinh tế sẽ trải qua 1 trong 2 trạng thái nói trên, tức tăng trưởng âm hoặc lạm phát cao. Bởi vì, tốc độ tăng trưởng quá nhanh thường dẫn đến lạm phát, lúc này, các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung kiềm hãm lạm phát. Còn khi nền kinh tế tăng trưởng âm, họ sẽ tập trung tăng trưởng kinh tế.

Khi cả 2 tình trạng này cùng lúc xảy ra, việc sử dụng bất kỳ một biện pháp nào để cứu vãn một tình trạng đều có thể sẽ làm trầm trọng hơn một tình trạng khác. Do đó, nếu một quốc gia rơi vào trạng thái Stagflation, thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra chính là một cuộc đại khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.

Tại sao Stagflation là điều cực kỳ tồi tệ?

Có 2 lý do mà Stagflation được cho là điều tồi tệ và không một quốc gia nào muốn trạng thái đó xảy ra với nền kinh tế của mình.

Thứ nhất, tất cả chúng ta đều mong muốn sống trong một nền kinh tế tăng trưởng tốt và giá cả hàng hóa thấp. Và đương nhiên, một trạng thái đối lập với cả 2 vấn đề đó, tức là giá cả hàng hóa quá cao, trong khi suy thoái kinh tế khiến thu nhập của người lao động giảm hoặc thấp, không đủ để chi trả, thậm chí còn đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thì đó chính là điều tồi tệ.

Thứ hai, Stagflation khó có thể được cứu vãn một cách nhanh chóng và ổn thỏa. Nhiệm vụ chính thuộc về các Ngân hàng trung ương. Họ phải đảm bảo nền kinh tế của quốc gia luôn trong trạng thái ổn định hoặc tăng trưởng tốt.

Mỗi NHTW luôn đặt mục tiêu giữ lạm phát ở một con số cụ thể, chẳng hạn như 2% của FED. Khi lạm phát vượt qua ngưỡng an toàn, NHTW sẽ tăng lãi suất để giảm lượng cung tiền, chi phí vay của doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chi tiêu giảm và do đó, giá cả được kìm hãm. Tuy nhiên, khi NHTW buộc phải tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát thì điều này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Ngược lại, khi nền kinh tế đang tăng trưởng âm, NHTW sẽ hạ lãi suất để các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể sẵn sàng vay nhiều hơn, sản xuất được mở rộng, tiêu dùng tăng cao. Nền kinh tế mặc dù trước mắt có thể giải quyết được vấn đề chậm tăng trưởng nhưng lạm phát lại có nguy cơ tăng cao hơn.

Biểu hiện của một nền kinh tế “trì lạm”

3 chỉ số cho thấy một nền kinh tế đang rơi vào trạng thái Stagflation, đó là: GDP giảm (tăng trưởng âm), lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Mối quan hệ của chúng không phải độc lập mà là tác động lẫn nhau. Trong một nền kinh tế “trì lạm”, tăng trưởng chậm dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Nhiều người tìm kiếm việc làm hơn, số lượng việc làm ít đi, kết quả là tiền lương thấp hơn. Đồng thời, lạm phát cao làm cho giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên, làm giảm sức mua của người tiêu dùng, cầu giảm dẫn đến cung giảm, và kết quả là kinh tế chậm phát triển.

Trên các thị trường tài chính, nhà đầu tư bị thua lỗ vì cả trái phiếu và cổ phiếu đều hoạt động kém hiệu quả trong thời kỳ lạm phát kèm suy thoái. Suy thoái kinh tế dẫn đến giá cổ phiếu giảm trong khi lạm phát cao tác động tiêu cực đến trái phiếu vì lãi suất thực giảm đi.

Nguyên nhân gây ra Stagflation là gì?

Điều gì làm cho một nền kinh tế rơi vào trạng thái lạm phát kèm suy thoái?

Cho đến thời điểm hiện tại thì các nhà kinh tế vẫn đang tranh luận về nguyên nhân dẫn đến lạm phát kèm suy thoái.

Xét cho cùng thì các yếu tố của một nền kinh tế rất phức tạp, do đó, khó có thể xác định chính xác tác nhân dẫn đến bất kỳ một sự thay đổi nào trong các yếu tố kinh tế đó. Mặc dù vậy, dựa vào các cuộc lạm phát kèm suy thoái trong lịch sử, các nhà kinh tế cũng chỉ ra được 2 nguyên nhân chủ yếu là nguồn cơn dẫn đến Stagflation, đó là: cú sốc chuỗi cung ứng và sự yếu kém trong các chính sách kinh tế, tài chính quốc gia.

Cú sốc chuỗi cung ứng

Cú sốc chuỗi cung ứng xảy ra khi một sự kiện, chẳng hạn như đại dịch hoặc chiến tranh, gây ra sự thay đổi đột ngột về nguồn cung của một số sản phẩm hoặc dịch vụ thiết yếu.

Khi cú sốc chuỗi cung ứng xảy ra, nhu cầu của người tiêu dùng đối với một sản phẩm có thể nhanh chóng vượt quá nguồn cung sẵn có. Và điều này khiến cho giá của sản phẩm đó tăng lên.

5gVaqwhS54bY nk1KyaN7nS92ru7w88Mpy8UdsCd5VKmVvRXVsVMNPBHK54 XwIttQzys7ca 1atp z xOaHT0A9kQEZoe07s84BsFaMfbOCPvuI HE5AbyWa24LcNMzUrnhFTV8EIJdnuT2Ksvtwg - Stagflation là gì? Nên chuẩn bị gì khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái Stagflation?

Trong thời kỳ đại lạm phát vào những năm 1970s đã diễn ra hai cú sốc chuỗi cung ứng liên quan đến tình trạng thiếu dầu. Một là lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973–1974, hai là cú sốc dầu 1978–1979 diễn ra đi kèm với sự sụp đổ của vua Iran.

Những cú sốc đến từ việc giá dầu tăng mạnh trong những khoảng thời gian đó khiến chi phí hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Lúc bấy giờ, tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp cao và lạm phát tăng.

Sự yếu kém trong việc điều hành các chính sách kinh tế, tài chính của quốc gia

Cụ thể hơn, Stagflation có thể xuất phát từ sự yếu kém trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ hoặc chính sách tài khóa của NHTW.

Chính sách tiền tệ mô tả các hành động mà một NHTW thực hiện để đạt được các mục tiêu kinh tế, như ổn định giá cả và lãi suất.

Đứng trước các vấn đề kinh tế, NHTW có thể tăng lãi suất để giảm lạm phát hoặc cắt giảm lãi suất để giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng lại không thể làm cả hai cùng một lúc.

Điển hình, trong thời kỳ lạm phát kèm suy thoái của những năm 1970s, NHTW Hoa Kỳ (FED), trong nỗ lực cứu vớt tình trạng thất nghiệp gia tăng, đã tăng cung tiền. Điều này không chỉ là tiền đề thúc đẩy lạm phát mà còn không thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Và một trong những sự yếu kém trong chính sách tiền tệ của FED thời bấy giờ chính là việc đánh giá sai về dữ liệu kinh tế. Các ước tính về sản lượng trong sản xuất đã bị đánh giá thấp trong khi các ước tính về tỷ lệ thất nghiệp đã bị phóng đại đáng kể, dẫn đến những sai lầm trong chính sách của FED.

Một số nhà kinh tế lập luận rằng FED đã không thể sửa sai hiệu quả trong thời kỳ đại lạm phát. Và điều đó đã góp phần gây ra lạm phát đình trệ.

Mặt khác, chính sách tài khóa đề cập đến cách thức hoạt động của các ngành hành pháp và lập pháp của chính phủ để tác động đến nền kinh tế. Chính sách tài khóa có thể bao gồm những thứ như giảm hoặc tăng thuế, điều chỉnh chi tiêu của chính phủ để kích thích kinh tế cho các cá nhân và doanh nghiệp. Khi các chính sách tài khóa hoạt động không hiệu quả thì cũng có khả năng gây ra Stagflation.

Các quốc gia có thể tránh được Stagflation không?

Việc tránh để tình trạng lạm phát đình trệ xảy ra là điều khó khăn, bởi vì các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng hai yếu tố kinh tế cạnh tranh nhau: lạm phát và thất nghiệp. Đối phó với lạm phát thường liên quan đến việc tăng lãi suất, khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và khiến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh một doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Do đó, doanh nghiệp thường phản ứng bằng cách cắt giảm lực lượng lao động của họ, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao.

Ngược lại, các NHTW có thể cố gắng giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng cách cắt giảm lãi suất, tạo động lực cho người sử dụng lao động đầu tư lớn, mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động và chấp nhận rủi ro thị trường. Lúc này, tiền lương người lao động tăng lên. Và khi thu nhập tăng, giá tiêu dùng sẽ tăng, tức lạm phát. Vì vậy, các NHTW, các nhà hoạch định chính sách hầu hết sẽ bị mắc kẹt khi giải quyết các vấn đề kinh tế trong điều kiện lạm phát đình trệ.

Mặc dù vậy, các nhà lập luận kinh tế cho rằng, phương pháp chính để đối phó với lạm phát đình trệ là loại bỏ lạm phát và để thị trường đẩy lùi thất nghiệp một cách tự nhiên. Nói cách khác, mục tiêu là biến một thị trường lạm phát đình trệ thành một thị trường suy thoái và suy thoái sẽ thường được giải quyết trong vòng chưa đầy một năm. Tuy nhiên, không phải nền kinh tế nào cũng có thể áp dụng được phương pháp này.

  • Tại các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, phương pháp này buộc sẽ có một số thời điểm khó khăn đối với người tiêu dùng và là thời kỳ mà hàng trăm nghìn người có thể sẽ mất việc làm. Nhưng ở khía cạnh khác của suy thoái, tiền lương sẽ cao hơn, tăng trưởng tiền lương theo lạm phát thường tiếp tục sau khi lạm phát hạ nhiệt và thị trường sẽ dần ổn định, doanh nghiệp sẽ tăng cường nhân sự trở lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống.
  • Tuy nhiên, rủi ro dài hạn thực sự là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, chẳng hạn như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Họ đều là những nhà xuất khẩu lớn có thị trường phụ thuộc vào các nước nhập khẩu để duy trì tăng trưởng kinh tế. Nếu nền kinh tế co lại, đặc biệt là các nền kinh tế tiêu dùng phương Tây, thì các nước đang phát triển kể trên sẽ có ít thị trường để xuất khẩu hàng hóa hơn. Những nền kinh tế đó cũng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, nhưng nếu thị trường quốc tế hỗn loạn, các doanh nghiệp có khả năng rút lui khỏi các nước đang phát triển. Cho nên, việc chuyển một thị trường lạm phát đình trệ sang một thị trường suy thoái có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng ở các quốc gia đang phát triển và do đó, có thể cản trở sự phục hồi tài chính toàn cầu.

Và bởi vì động lực chính của lạm phát đình trệ là giá cả hàng hóa tăng cao – những thứ như dầu, lúa mì, thép và các mặt hàng thiết yếu khác. Khi giá cả hàng hóa tăng lên, mọi thứ khác trong nền kinh tế cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Một số nhà kinh tế cho rằng một trong những cách tốt nhất để kiểm soát sự tăng giá đó chính là bãi bỏ quy định đối với các ngành nghề sản xuất nên những hàng hóa đó, nhưng có thể sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm để những những tác động đó chạm đến lợi ích của nhà sản xuất. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách thường muốn giải quyết tình trạng lạm phát đình trệ trong một khoảng thời gian nhanh hơn.

Nói tóm lại, không phải là không thể tránh hoặc giải quyết được tình trạng lạm phát kèm suy thoái, nhưng sẽ rất khó khăn và còn tùy thuộc vào tình trạng nền kinh tế. Có thể khi mục đích chưa đạt được thì lạm phát đình trệ đã gây ra một điều tồi tệ hơn, đó chính là đại suy thoái.

Liệu rằng Stagflation có thể quay trở lại và trở thành rủi ro ở thời điểm hiện tại?

Rất có thể và hoàn toàn có căn cứ để chúng ta có quyền lo sợ rằng Stagflation có thể sẽ lại diễn ra ở thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, trải qua đại dịch toàn cầu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế đang gánh chịu tỷ lệ lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Giá cả tăng cao phần lớn là do sự gián đoạn trong việc cung cấp hàng hóa và thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Đại dịch buộc các nhà máy phải đóng cửa hàng tuần hoặc hàng tháng, một vấn đề vẫn đang gây khó khăn cho nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Trung Quốc, nơi các biện pháp phong tỏa hà khắc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến các cảng và cơ sở sản xuất không thể hoạt động như bình thường. Và cho đến thời điểm hiện tại thì mọi thứ vẫn chưa thể trở về như trước.

Thứ hai, cuộc chiến giữa Nga vào Ukraine đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sự căng thẳng tột độ giữa 2 quốc gia này làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga và dẫn đến lạm phát giá năng lượng toàn cầu. Việc Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, một trong những nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, cũng đang đẩy giá lương thực lên cao trên toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nạn đói ở các nước đang phát triển.

Iwzp4lT4MqkfCbInETs3onjszCKxV8dmmTZF7ty2peTSxuTg2bWWoYIbNhy47zGZCZiz9p0Ez8U5X7TWCWOGuTWptcW1 iQd6hqGVtBF86zaDLq6AlwoRq XohG ylhP9 ITn1sO0KuVhtaVxwxadw - Stagflation là gì? Nên chuẩn bị gì khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái Stagflation?

Chúng ta cần chuẩn bị gì nếu Stagflation xảy ra?

Ở vị thế của một người lao động, một nhà đầu tư, chúng ta cần biết cách để trụ vững trong một nền kinh tế không chắc chắn và Stagflation có thể sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc này cực kỳ quan trọng để bảo vệ tài chính cho bạn và cả gia đình.

Giữ công việc của bạn và khiến mình trở nên có giá trị trong mắt các doanh nghiệp.

Một công việc tạo ra thu nhập và duy trì nó là điều quan trọng nhất cần làm nếu nền kinh tế của bạn đang đứng trước nguy cơ lạm phát đình trệ. Đứng trước nguy cơ có thể mất việc bất cứ lúc nào, bạn hãy chuẩn bị hồ sơ việc làm của mình thật tốt, hãy chứng minh bạn xứng đáng để được tiếp tục làm việc. Hoặc nhanh chóng có được công việc mới trong thời gian bị sa thải do buộc cắt giảm nhân sự tại doanh nghiệp của mình.

Tiết kiệm và xây dựng quỹ khẩn cấp

Không phải chỉ trong thời kỳ khó khăn mà tiết kiệm luôn là một phần cực kỳ quan trọng trong quản lý tài chính ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong khi đó, xây dựng quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn luôn trong tâm thế sẵn sàng vượt qua thời kỳ khó khăn.

Giảm hoặc trả hết nợ

Lãi suất cao có thể sẽ khiến cho các khoản vay ngắn hạn và nợ tín dụng của bạn trở thành nỗi ám ảnh. Thoát khỏi nợ nần có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng trong việc quản lý chi tiêu, quản lý ngân sách. Và điều quan trọng là làm sao để vẫn có thể tiết kiệm tiền trong khi trả nợ.

Đầu tư vào vàng

Không phải bất kỳ một loại tài sản nào mà vàng chính là “nơi trú ẩn an toàn” nhất trong thời kỳ lạm phát kèm suy thoái. Hãy trích một phần thu nhập của mình để đầu tư vàng, loại tài sản có xu hướng tăng giá theo thời gian, khoản đầu tư này không chỉ là một kênh phân bổ vốn hiệu quả mà nó còn giúp bạn gia tăng tài sản trong tương lai.

Lời kết

Không một cá nhân nào và cũng không một quốc gia nào mong muốn nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, Stagflation hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt khi tình hình kinh tế, chính trị Thế giới đang vô cùng căng thẳng. Ở khía cạnh cá nhân, chúng ta không thể can thiệp để Stagflation không xảy ra, nhưng việc hiểu về nó và hành động để thích nghi với nó là điều nên làm.

>> Xem thêm: Hawkish, Dovish là gì? Cách tận dụng chính sách Hawkish và Dovish trong giao dịch forex

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *