Tại sao thị trường không thể tăng mạnh dù có tin tích cực về BTC và XRP?

Hiện tại, thị trường tiền điện tử vẫn đang ở trong trạng thái “lấp lửng”. Bất chấp những phát triển tích cực gần đây xung quanh Bitcoin (BTC) và Ripple (XRP), thị trường vẫn không thể tăng mạnh. Sự đình trệ của thị trường cho thấy những yếu tố này không đủ để lôi kéo các nhà đầu tư mới tham gia vào không gian nay. Việc không có dòng vốn mới có thể tạo ra một rào cản đáng kể cho việc bắt đầu một đợt tăng giá tiếp theo.

Các tin tức tích cực nhất bao gồm những kết quả thuận lợi của Bitcoin ETF, hoặc thêm những chiến thắng của XRP trong cuộc chiến tranh pháp lý của nó. Đây là những câu chuyện vô cùng quan trọng, có khả năng định hình thị trường trong tương lai, mở ra cánh cửa cho việc tiền điện tử được chấp nhận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, những sự kiện đầy hứa hẹn này vẫn chưa kích thích phản ứng tích cực về thanh khoản mới gia nhập thị trường. Trên thực tế, dòng tiền stablecoin, thứ thường được coi là thước đo lượng tiền mới tham gia vào thị trường tiền điện tử, vẫn tiếp tục giảm.

Du lieu stablecoin Mcap - Tại sao thị trường không thể tăng mạnh dù có tin tích cực về BTC và XRP?
Dữ liệu Stablecoins Mcap (Nguồn: Defillama.com)

Các đợt tăng giá trong thị trường tiền điện tử thường được thúc đẩy bởi một dòng thanh khoản mới, chứ không chỉ đơn thuần là do phân phối lại thanh khoản hiện có giữa các altcoin và Bitcoin với nhau. Tuy nhiên, điều kiện thị trường hiện tại được đặc trưng bởi việc thiếu các khoản đầu tư mới, và đây là lý do chính khiến nó không thể tăng mạnh được.

Những phát triển tích cực gần đây, chẳng hạn như tin tức Blackrock và hiệu suất của thị trường chứng khoán, cùng với kết quả thuận lợi cho XRP, có thể tạo tiền đề cho đợt tăng giá tiếp theo. Tuy nhiên, những yếu tố này giống như việc một cá nhân chuẩn bị tỉ mỉ cho buổi hẹn hò. Họ chắc chắn đã tạo tiền đề, nhưng nếu để thị trường thực sự tăng giá, sẽ cần phải có một yếu tố quan trọng: dòng tiền mới chảy vào thị trường.

Các sự cố, ví dụ như vụ bê bối gần đây của Multichain có thể một phần gây ảnh hưởng xấu đến dòng tiền mới. Những sự kiện như vậy không những không thu hút được dòng vốn mới vào mà còn dẫn đến dòng vốn chảy ra đáng kể khó thay thế. Sự phấn kích xung quanh chiến thắng hợp pháp của XRP dường như đã bị lu mờ sự cố Multichain, nếu xét về mức độ phủ sóng và khuếch đại của các phương tiện truyền thông chính thống.

Sáng 18/7, Bitcoin vẫn nằm ở mức 30,100 USD sau khi sụt về 29,700 USD trong đêm. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi của Bitcoin đã giảm nhẹ, hiện đang ở tranh giới giữa “trung tính” và “tham lam”.

screenshot 2023 07 18 at 07 xbHAWfqti6dSTqwR - Tại sao thị trường không thể tăng mạnh dù có tin tích cực về BTC và XRP?
Chỉ số Tham lam và sợ hãi đã quay về màu vàng “trung tính”.

Dường như sự hưng phấn trong thị trường đang dần mất đi do những thông tin tốt không thực sự quá rõ rệt. Đồng thời, mối bận tâm của các nhà đầu tư về pháp lý và kinh tế vĩ mô đã khiến Bitcoin giao động.

Theo CoinTelegraph, Bitcoin có thể giảm xuống dưới 29,000 trong tuần này nếu không có những tác động tích cực rõ rệt, do nhà đầu tư lo lắng về vấn đề kinh tế vĩ mô đang xấu dần và khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Mặc dù theo dữ liệu từ Coinshare, đã có 137.4 triệu USD tiếp tục chảy vào các quỹ đầu tư lớn tuần qua và 4 tuần liên tục dòng tiền vẫn tập trung vào BTC. Cụ thể, dòng tiền vào Mỹ chiếm 109 triệu USD, Canada 28 triệu USD và số còn lại vào châu Âu và Thụy Sỹ.  Có tổng số 140 triệu USD là để mua Bitcoin mà không phải loại tài sản nào khác. Etherum chỉ chiếm 2 triệu USD. Nhưng, chúng ta cần phân biệt rõ, lượng vốn hóa Bitcoin hiện tại rất cao, cao hơn rất nhiều so với thời điểm Bitcoin ở năm 2020, nên dòng tiền chảy thêm vào các quỹ đầu tư thực sự chưa đủ mạnh để làm thị trường chuyển biến.

Nhìn chung, một yếu tố quan trọng để thu hút thanh khoản mới, đó chính niềm tin của các nhà đầu tư. Các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là việc tăng lãi suất suốt thời gian dài của các ngân hàng TW đã khiến niềm tin đầu tư vào tiền điện tử đã giảm bớt. Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Fed đồng thời tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán. Cho đến nay, lãi suất đã tăng 500 điểm cơ bản, trong khi bảng cân đối kế toán đã giảm hơn 570 tỷ đô la Mỹ. Chưa kể, nhiều FUD lớn liên tục xảy ra trong năm 2022 vẫn chưa thực sự nguôi ngoai, và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý.

Bien dong gia Bitcoin 1 nam qua - Tại sao thị trường không thể tăng mạnh dù có tin tích cực về BTC và XRP?
Biến động giá Bitcoin 1 năm qua

Hiện nay, có 2 kịch bản được viết cho thị trường Bitcoin năm 2023, chủ yếu là:

  • Bitcoin sẽ đạt được mức cao 34.000 – 40.000 USD, sau đó sẽ chứng kiến một đợt giảm giá.
  • Bitcoin sẽ đạt được mức cao mới trong lịch sử.

Kết hợp với tình hình thanh khoản tổng thể hiện lại cùng chu kỳ vĩ mô, thì nhiều nhà phân tích nghiêng về kịch bản 1 hơn. Bitcoin trước mắt khó có thể không vượt qua mức cao trước đó trong năm nay, nhưng nó chắc chắn sẽ gần với mức cao trước đó 40.000 đô la Mỹ có thể là một ước tính khá thận trọng.

Hãy luôn nhớ rằng, dù kịch bản có là gì, thì cần thiết và phải có thanh khoản bên ngoài thị trường được đưa vào lĩnh vực này. Nó đòi hỏi các tổ chức, nhà đầu tư phải có niềm tin. Chúng ta cũng đã chứng kiến rằng thị trường tiền điện tử tràn ngập trí tưởng tượng và mọi người luôn vui vẻ tìm hiểu các câu chuyện (narratives) về các ngành, thậm chí còn có thể bịa ra các xu hướng mới. Dù nó là gì, cũng không phủ nhận được việc nó đã kích thích một làn sóng FOMO nhỏ lẻ. Tuy nhiên khi xu hướng nguội lạnh, dòng tiền rút ra, thị trường dường như vẫn “dậm chân” tại chỗ.

Yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự xuất hiện của một thị trường uptrend, đó là những bước tiến mới, những phát minh mới và những sản phẩm thú vị mới. Chẳng hạn, thị trường tăng giá năm 2012 và 2013 bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Síp và lần đầu tiên Bitcoin xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là trong cộng đồng Trung Quốc. Vào năm 2018, câu chuyện về ICO của Ethereum đã bắt đầu. Vào năm 2020 và 2021, thị trường uptrend được thúc đẩy bởi câu chuyện về DeFi Summer.

Vậy, câu chuyện nào sẽ là bánh đà cho đợt tăng giá tiếp theo? Nó sẽ diễn ra vào năm 2024 chứ? Bitcoin Halving liệu đã đủ mạnh để hỗ trợ cho một thị trường uptrend? Hay nếu Fed giảm lãi suất và mở rộng bảng cân đối kế toán vào năm tới, điều đó có thể thúc đẩy thị trường tăng mạnh? L2, DAO, Lightning Network và ETF Spot của BTC… liệu có đủ mạnh để hút dòng tiền? Theo bạn, đâu sẽ là “chất xúc tác” để kéo thị trường tăng giá trở lạu?

DAUTU.IO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *