Điểm danh những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý đầu năm 2023

Quý 1 đã đi qua với nỗi buồn tăng trưởng lợi nhuận ở hàng loạt nhóm ngành, trong đó “ngấm” suy thoái kinh tế nhất là nhóm bất động sản, chăn nuôi, thép, xây dựng.

Những khó khăn kéo dài từ năm 2022 tiếp tục đeo bám nhóm doanh nghiệp BĐS và nhà thầu xây dựng dân dụng trong quý đầu tiên năm 2023. Ngoài ra, giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế suy thoái, đầu ra khó trong khi áp lực lãi vay tăng cao… ngành chăn nuôi, phân bón cũng chịu chung một khung cảnh “xám xịt” trong bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2023.

Doanh nghiep lo nang quy 1 2023 cac doanh nghiep lo nang quy 1 2023 - Điểm danh những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý đầu năm 2023

Trong báo cáo chiến lược của VNDirect ước tính, tổng lợi nhuận ròng quý 1/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM giảm 18.1% so với cùng kỳ, mức giảm thấp hơn so với quý 4/2022.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 1/2023, những doanh nghiệp có mức lỗ lên đến 100 tỷ đồng trong quý này phải kể đến thủy sản số 4, Xây dựng Hòa Bình, Thép Pomina, Masan Meatlife, Dabaco…

Dẫn đầu thị trường chính là CTCP Thủy sản Số 4 (mã: TS4) với khoản lỗ khủng 565 tỷ đồng, đây là quý thứ 10 công ty thua lỗ liên tiếp.

Cụ thể, tại quý 1/2023 doanh thu công ty vào khoảng 54 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 5 tỷ của quý 1/2022. Dù vậy, kinh doanh dưới giá vốn khiến TS4 lỗ gộp hơn 536 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, công ty lỗ sau thuế hơn 565 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 137 triệu đồng.

Giữa lúc thị trường bất động sản đóng băng, áp lực trái phiếu cùng với những sự kiện liên quan khiến doanh nghiệp BĐS cũng như doanh nghiệp xây dựng như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã: HBC) rơi vào thế hoạt động cầm chừng. Riêng quý 1/2023, HBC kinh doanh dưới giá vốn khiến tập đoàn lỗ gộp 203 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 198 tỷ đồng.

Hụt thu từ hoạt động tài chính trong khi chi phí lãi tăng, cùng với các chi phí khác khiến tập đoàn lỗ đến 444 tỷ đồng là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp. Khoản lỗ lũy kế của HBC cũng nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng.

Điều này cũng đã được dự báo từ trước từ Chủ tịch Lê Viết Hải khi vào cuối tháng 3/2023, thay mặt cho Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA), Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Qua đó cho thấy tình hình ngành xây dựng và BĐS rơi vào khó khăn về tài chính khiến HBC chưa sắp xếp được nguồn vốn thực hiện các mục tiêu. Nhất là ông Hải nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong 35 năm, HBC phải đối mặt với “muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế”.

Xét về nhóm bất động sản, những khó khăn từ các quý trước tiếp tục kéo dài đến quý này, do đó, theo báo cáo tài chính quý 1 CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã: NVL), công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 106 tỷ đồng, tổng doanh thu hợp nhất hơn 604 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiep lo nang quy 1 2023 LNST cac quy cua NVL - Điểm danh những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý đầu năm 2023
NVL có quỹ lỗ đầu tiên kể từ quý 1/2018

Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) cũng báo lỗ ròng 95 tỷ đồng, khiến công ty còn cách rất xa mục tiêu lãi ròng 158 tỷ đồng năm 2023.

Một số công ty môi giới bất động sản cũng đồng loạt báo lỗ trong quý đầu năm là CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services – mã: DXS), CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand – mã: CRE) và CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã: NRC).

Đứng thứ ba về mức lỗ kỷ lục là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC) với mức âm 321 tỷ đồng là quý có số lỗ lớn nhất của tập đoàn, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3 là 312 tỷ đồng. Theo giải trình, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua kém dần.

Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Dabaco dự báo phải đến quý 2/2023 tình hình mới cải thiện.

CTCP Thép Pomina (mã: POM) cũng thuộc nhóm doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ đồng, mặc dù toàn ngành đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể, nhưng công ty này vẫn ghi nhận lỗ hơn 168 tỷ trong quý đầu năm 2023, nâng tổng lỗ lũy kế lên 440 tỷ đồng. POM cho biết do tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm, dẫn đến công ty bị sụt giảm mạnh doanh thu. Trong khi chi phí cố định của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao gây lỗ lớn trong kỳ. Do liên tục thua lỗ và chưa công bố BCTC kiểm toán, cổ phiếu POM đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 25/4/2023.

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã: HNG) giảm sâu 17% xuống 168 tỷ đồng, chủ yếu ở giá vốn trái cây với giảm 2,9%, đạt 112,2 tỷ đồng. Ngược lại, giá vốn mủ cao su lại ghi nhận tăng 37%, đạt 55 tỷ đồng. Yếu tố trên đã khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận giảm 41,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 497% so với mức 10,5 tỷ đồng của quý I/2022.

Khấu trừ các khoản chi phí, LNTT của HNG âm 123,5 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, đây là quý thứ 6 liên tiếp HAGL Agrico ghi nhận âm lợi nhuận (kể từ quý IV/2021).

Trong 3 tháng đầu năm, CTCP VNG (mã: VNZ) đạt doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ đi các chi phí, tổng cộng VNG lỗ 43 tỷ đồng trước thuế và lỗ 90 tỷ đồng sau thuế trong quý I/2023. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 40,5 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *