Ngành ngân hàng có chịu thêm áp lực khi Fed tăng lãi suất?

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank đã có những chia sẻ cá nhân của mình trong chương trình “Bí mật đồng tiền mùa 2 – số 20: Nhà băng không lạnh” rằng từ đầu năm ngành ngân hàng đã phải hứng chịu nhiều cơn gió ngược như những biến động trên thị trường BĐS, lực cầu tiêu dùng và tín dụng yếu. Các nguồn thu ngoài lãi như các hoạt động dịch vụ, bảo hiểm qua ngân hàng cũng bị ách tắc. Áp lực về chất lượng các ngân hàng chưa giảm và chi phí vốn cũng vẫn còn ở mức cao.

Nganh ngan hang chuong trinh bi mat dong tien - Ngành ngân hàng có chịu thêm áp lực khi Fed tăng lãi suất?
chương trình “Bí mật đồng tiền mùa 2 – số 20: Nhà băng không lạnh

“Các ngân hàng vẫn phải gồng mình để cố gắng đạt kế hoạch lợi nhuận. Năm nay sẽ khó hơn cho ngành này. Những yếu tố tạo ra kỳ vọng có sự vượt trội về mặt lợi nhuận vẫn chưa xuất hiện”, ông Hưng nhận định.

Fed mới đây quyết định tăng lãi suất thêm 0.25 điểm cơ bản, đẩy mặt bằng lãi suất lên 5.25%-5.5%. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà fed áp dụng kể từ đầu năm 2001. Điều này khiến nhiều ngân hàng lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm không thuận lợi.

Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI tại chương trình cũng cho rằng, các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thu nhập từ tín dụng và dịch vụ đang chịu nhiều sức ép. Việc Fed tăng lãi suất sẽ gây ra một số áp lực đối với ngành ngân hàng, tuy nhiên nó sẽ chỉ ở mức độ thấp.

“Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn hiện đã giảm nhiều so với trước. Hiện số lượng kiều hối vào thành phố HCM vẫn tăng; cán cân thương mại của Việt Nam đang dương trong tháng 7 này; lượng FDI vẫn vào tốt thì tôi nghĩ áp lực đối với Việt Nam thời điểm này là khá thấp. Nếu đây là lần tăng lãi suất cuối của Fed thì áp lực không quá nhiều”, ông Phạm Lưu Hưng đánh giá.

Cũng theo ông Lưu Hưng, kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng từ góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài và định chế tài chính họ thường tìm đến Việt Nam vì câu chuyện tăng trưởng. Ngành tiêu dùng và ngân hàng là 2 nhóm thường được lựa chọn vì có khả năng bao quát toàn bộ tình hình phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong chỉ số VN-index và có tốc độ tăng tốt trong nhiều năm.

Vì vậy, để vượt trội so với thị trường nhà đầu tư cần phải có một số cổ phiếu ngân hàng, Riêng SSI, công ty có triển khai ETF Finlead phần lớn các cổ phiếu trong rổ thuộc nhóm ngân hàng và chứng khoán. Hằng năm ETF này vẫn tăng trưởng trên 10% và có tỷ suất sinh lời tốt hơn so với Vn-index. Đồng thời khi đầu tư vào ngân hàng thì không nên tính theo tháng vì chu kỳ kinh tế và chu kỳ ngân hàng khá dài.

Ông Hưng cũng đánh giá mức giá hấp dẫn đối với cổ phiếu ngân hàng: “Khi P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng quanh 1 hoặc nhỏ hơn thì đây là một mức giá rất hấp dẫn. Vì P/B dưới 1 thì cũng đồng nghĩa là nhà đầu tư có được mức giá còn thấp hơn những người đứng ra thành lập ngân hàng ở thời điểm ban đầu”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *