Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể giảm lãi suất trước Fed

Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn so với Cục dự trữ liên bang Mỹ – theo các nhà kinh tế học của ngân hàng Nomura nhận định.

Nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi nhà kinh tế Sonal Varma trong báo cáo mới được công bố cách đây ít ngày đã nhận định một cuộc xoay trục chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) châu Á trước khi Fed có hành động tương tự – có thể xem như sự “phân ly” khỏi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ do Fed đi đầu – có khả năng diễn ra do các điều kiện kinh tế khác biệt ở châu Á so với Mỹ.

“Quan điểm của chúng tôi về việc các NHTW châu Á giảm lãi suất trước Fed trong chu kỳ này xuất phát từ cơ sở là sự khác biệt trong các yếu tố nền tảng của nền kinh tế giữa châu Á và Mỹ”, hãng CNBC dẫn báo cáo Nomura.

Trong biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed cho thấy các quan chức dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, dù tốc độ tăng có thể không còn nhanh như trước. Ngược lại, Trung Quốc gần đây đã chuyển sang cắt giảm lãi suất trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế nước này hậu Covid-19 có nhiều dấu hiệu mất đà và nhà đầu tư mong đợi sẽ có những biện pháp kích cầu tiếp theo.

Một cuộc khảo sát theo thời gian thực do nhóm nghiên cứu của Nomura thực hiện cho thấy hơn 32% số người trả lời dự báo NHTW Hàn Quốc (BOK) sẽ là ngân hàng đầu tiên cắt giảm lãi suất ở châu Á sau ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC). Tiếp đó sẽ là các ngân hàng trung ương của Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Lai suat NHTW Han Quoc - Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể giảm lãi suất trước Fed
NHTW Hà Quốc sẽ là NHTW Châu Á đầu giảm lãi suất trước Fed

“Sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, và thậm chí Indonesia đều có thể giảm lãi suất trước Fed vì quá trình giảm lạm phát ở các nền kinh tế này diễn ra nhanh hơn, nhu cầu yếu hơn và lãi suất thực cao hơn”, báo cáo của Nomura viết.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, tình trạng giảm sút của hoạt động sản xuất hàng hóa gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á và sự giảm lạm phát là những nguyên nhân chính khiến họ đặt kỳ vọng các NHTW ở châu Á giảm lãi suất trước Fed.

“Khu vực châu Á giờ đây đã bước vào một thời kỳ mà mọi nhu cầu nội địa có khả năng sẽ chậm lại. Theo quan điểm của chúng tôi, sự giảm tốc đó của nhu cầu phản ánh hiệu ứng đến trễ của chính sách tiền tệ. Với nhu cầu trong nước giảm và lạm phát lõi liên tục đi xuống, lãi suất sẽ phải bớt thắt chặt”, báo cáo viết.

Các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động “không phải là một vấn đề của khu vực châu Á hiện nay”, ngoại trừ đối với Singapore. “Bởi vậy, lạm phát lõi ở những nước này không dai dẳng như ở Mỹ”, nhóm chuyên gia cho biết và nói thêm rằng lạm phát ở châu Á chủ yếu xuất phát từ lý do nguồn cung hơn là nhu cầu.

Ở Hàn Quốc, lạm phát đang dao động quanh ngưỡng 2,7%, gần mục tiêu của ngân hàng trung ương. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc rơi vào trạng thái giảm phát.

“Sự giảm lạm phát ở châu Á đang diễn ra nhanh hơn nhiều, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nơi giá thực phẩm và năng lượng có tỷ trọng lớn trong rổ CPI và sự gia tăng của lạm phát trước đây chủ yếu do yếu tố nguồn cung”, nhóm chuyên gia của Nomura nhận định.

Nomura cũng dự báo, Hàn Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên ở châu Á giảm lãi suất sau Trung Quốc. BOK cũng được dự báo sẽ giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong tháng 10 và thêm 0.25 điểm phần trăm nữa trước cuối năm nay.

Tháng 10 là thời điểm mà Nomura cho rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) bắt đầu giảm lãi suất và tổng mức cắt giảm lãi suất của nước này trong năm nay sẽ là 0.75 điểm phần trăm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *