Đằng sau lợi nhuận khủng của các công ty chứng khoán trong quý 2/2023

Nhiều công ty chứng khoán đã công bố BCTC quý 2/2023 trong những ngày qua. Tính đến ngày hôm nay 20/7, theo quy định hầu hết công ty còn lại sẽ công bố kết quả kinh doanh trong quý 2.

Tổng quan ngành chứng khoán đã trải qua quý thuận lợi khi thị trường đã phục hồi trở lại, chỉ số Vn-Index tiến gần đến 1.200 điểm. Dòng tiền lớn gia nhập thị trường đẩy thanh khoản tăng cao, riêng tháng 6 giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường là gần 19.900 tỷ đồng/phiên.

Nhu cầu vay margin cũng được đẩy lên cao đem lại nguồn thu lớn hơn về phí giao dịch và lãi cho vay tại công ty chứng khoán. Ở nhóm công ty chứng khoán lớn, hai khoản thu trên tăng trưởng hai con số trong quý vừa qua.

Những công ty chứng khoán vừa và nhỏ, khối tự doanh cứu lợi nhuận của nhiều công ty báo lãi khủng so với cùng kỳ hoặc quý 1/2023. Nghiệp vụ đánh giá lại danh mục đầu tư khi giá cổ phiếu trong danh mục hồi phục đã đem lại kết quả trên.

Tuy nhiên nó không đồng nghĩa việc các công ty chứng khoán thực sự có hiệu quả trong mảng tự doanh. Thực tế, đã có công ty rơi vào tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, tức là thực hiện cắt lỗ danh mục nắm giữ trong khi lợi nhuận chủ yếu đến từ đánh giá lại danh mục đầu.

Nếu theo dõi lợi nhuận thực hiện được và chưa thực hiện được trong cơ cấu LNTT của công ty chứng khoán sẽ phần nào thấy được thực sự đằng sau các con số báo lãi.

CTCK loi nhuan truoc thue cac CTCK - Đằng sau lợi nhuận khủng của các công ty chứng khoán trong quý 2/2023
Lợi nhuận trước thuế của công ty chứng khoán trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023

Chứng khoán VIX (mã: VIX) trong quý 2 báo lãi trước thuế 703 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ. Sự đột biến này phần lớn đến từ việc đánh giá lại danh mục FVTPL. Khoản lãi đã thực hiện của VIX trong quý 2 là hơn 155 tỷ đồng và chưa thực hiện cao gấp nhiều lần lên đến 547.9 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) trong nửa đầu năm lãi trước thuế hơn 206 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 136 tỷ đồng. Thực tế, VDSC báo lỗ thực hiện gần 2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 khi lãi chưa thực hiện là hơn 208 tỷ đồng. Ngược lại, nửa đầu năm 2022, công ty ghi nhận lãi đã thực hiện hơn 114,4 tỷ đồng và lỗ chưa thực hiện hơn 250.6 tỷ đồng.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) cũng ghi nhận lãi trước thuế 64.6 tỷ đồng trong quý 2, cùng kỳ lỗ hơn 161 tỷ đồng. Nhưng nếu nhìn vào BCTC công ty thì quý 2/2023 TPS lỗ thực tế gần 64.6 tỷ đồng và hạch toán hơn 129 tỷ đồng lãi chưa thực hiện. Kịch bản này tương tự trong 6 tháng, TPS cũng lỗ thực hiện là 12.8 tỷ đồng và lợi nhuận chưa thực hiện 150.2 tỷ đồng.

Theo đó, TPS bán cắt lỗ cổ phiếu với giá hơn 80 tỷ đồng và trái phiếu chưa niêm yết 375.4 tỷ đồng. Giá trị danh mục tự doanh tính đến cuối tháng 6 của TPS có giá trị là hơn 2.303 tỷ đồng trong khi giá gốc gần 2.456 tỷ đồng, tức lỗ hơn 152 tỷ đồng. Cổ phiếu trong danh mục giá trị thị trường và giá mua là 391.2 tỷ đồng và 543.4 tỷ đồng, tức lỗ hơn 152 tỷ đồng.

TPS chính là ví dụ điển hình cho thấy sự khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và lợi nhuận thực. Dù công ty này báo thoát lỗ, báo lãi trước thuế nhưng công ty đã thực hóa khoản lỗ của mình, khoản lỗ tiếp tục ghi nhận nếu tất toán danh mục đầu tư tự doanh khoản lỗ.

Vào năm 2021, khi thị trường tăng mạnh, nhiều công ty chứng khoán từng hạch toán khoản lãi khủng nhờ việc đánh giá lại danh mục đầu tư. Nhưng với nhiều trường hợp, khoản đầu tư này đã được công ty nắm giữ trong nhiều năm, như một phần mảnh ghép trong hệ sinh thái của chủ sở hữu, không mang bản chất của hoạt động đầu tư tài chính.

Hệ quả là dù báo cáo lợi nhuận lớn nhưng con số thực sau đó lại thấp hơn rất nhiều. Một điểm lưu ý rằng khi công ty thực hiện chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt hay chia cổ tức bằng cổ phiếu, phương án được đưa ra dựa trên lợi nhuận đã thực hiện của công ty và không nằm trong con số lợi nhuận kế toán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *